Cần coi đây là một nguồn tài nguyên
Chia sẻ tại Hội thảo về kết quả nghiên cứu "Giải pháp cuối vòng đời của hệ thống điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam" chiều 13/12 do Viện Năng lượng, Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hợp tác thực hiện, bà Hoàng Anh, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện Năng lượng cho biết, thời gian qua, nhờ các chính sách khuyến khích, điện mặt trời tại Việt Nam đã tăng trưởng theo cấp số nhân. Cụ thể, đến cuối năm 2020, tổng công suất đạt 16,640 GW. Công suất điện mặt trời mái nhà 7,780 MW.
Theo bà Hoàng Anh, hiện các nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà đều đang phát triển và hầu hết các hệ thống mới được vận hành khoảng 3 năm. 28 triệu tấm quang điện mặt trời được lắp đặt tại các nhà máy điện. 17,5 - 23,5 triệu tấm quang điện trong hệ thống điện mặt trời mái nhà (công suất 7,7 GW). Hầu hết các nhà máy điện mặt trời vẫn đang trong thời hạn bảo hành.
Dự báo, điện mặt trời sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các chính sách của Chính phủ và kinh tế thị trường. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất lắp đặt điện mặt trời sẽ tăng từ 16,6 GW lên 20.1 GW vào năm 2021 – 2030 và 71.9 GW vào năm 2045 theo kịch bản cao. Với một tấm quang năng có công suất 330 – 440W, sẽ đạt 50.9 – 62.1 triệu tấm quang điện vào năm 2030 và lên đến 150 – 220 triệu tấm quang điện vào năm 2045.
“Như vậy, theo tính toán từ một phương pháp được quốc tế công nhận, đến năm 2050, lượng chất thải của các tấm quang năng tích lũy ước tính đến 3.110 triệu tấn trong kịch bản tổn thất sớm và 3.468 triệu tấn trong kịch bản tổn thất bình thường” – bà Hoàng Anh cho hay.
Theo đó, bà Hoàng Anh cho rằng, từ những nghiên cứu đưa ra thách thức hiện nay, trong việc đặt ra vấn đề về các tấm quang điện hết niên hạn được coi là chất thải nguy hại nếu các thành phần chứa vật liệu nguy hại không được loại bỏ và xử lý đúng cách. Chúng ta cần thay đổi nhận thức, và coi đây là một nguồn tài nguồn tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn. Và đặc biệt, cần nâng cao nhận thức về phương pháp thải bỏ đúng cách.
“Hiện nay, đa phần các tấm quang điện hỏng, được các nhà máy giữ lại cùng với chất thải điện khác hoặc giao chúng cho các đơn vị quản lý chất thải được cấp phép để xử lý như chất thải nguy hại. Đôi khi các tấm quang điện bị lỗi hoặc hỏng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà được sử dụng cho các mục đích khác như làm hàng rào, mái chuồng gia súc, hoặc bán cho những người thu gom chất thải không chính thức” – bà Hoàng Anh cho biết.
Do đó, bà Hoàng Anh nhấn mạnh, nếu không dừng việc quản lý các tấm quang năng mặt trời không chính thức, sẽ nảy sinh các vấn đề xã hội trong việc thiết lập quy trình quản lý chất thải chính thức khi lượng quang năng mặt trời hết niên hạn sử dụng tăng lên đáng kể.
Chia sẻ thêm ThS. Trương Việt Trường – đại diện Cục kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp cho biết: Thực tế, tấm quang điện và tuabin gió cuối vòng đời chứa các vật liệu có giá trị (thuỷ tinh, thép, nhôm, đồng, silica, kim loại hiếm…) mà việc tái chế và tái sử dụng cho phép tiết kiệm đáng kể nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, tại Thông tư 36/2015/TT-Bộ Tài nguyên và môi trường quy định, các tấm quang điện thải bỏ được coi là chất thải nguy hại trừ khi các thành phần chứa vật liệu nguy hại không được loại bỏ và xử lý đúng cách.
Ông Trường chỉ ra, về thực tiễn quản lý hiện nay trên thế giới, như SolarTech (USA), không đưa pin mặt trời vào diện kiểm soát chất thải nguy hại. EU thì quy định tỷ lệ tái chế/tái sử dụng tấm quang năng là 85%/80%. Mỹ hiện chưa có quy định về việc quản lý tấm quang năng hết hạn sử dụng. Tương tự, Nhật Bản cũng chưa có quy định cụ thể về việc xử lý tấm quang năng hết hạn sử dụng. Và hiện không có nước phát triển nào coi tấm quang năng là chất thải nguy hại.
Theo ông Trường, hầu hết các tấm quang điện có tuổi thọ khoảng 25 năm. Dự án đầu tiên khánh thành năm 2019. Như vậy, các tấm quang điện hết hạn sử dụng vào khoảng những năm 2040. “Từ nay tới năm 2040 là khoảng thời gian đủ dài để các Bộ, ngành và các bên liên quan nghiên cứu, xây dựng các giải pháp quản lý, kỹ thuật phù hợp đối với các tấm quang điện mặt trời hết hạn sử dụng phải thải bỏ” – ông Trường nhấn mạnh.
Tái chế cũng được xem là giải pháp quan trọng
Các chuyên gia cũng cho biết, mặc dù đã các quy định rõ ràng về quản lý chất thải điện mặt trời, điện gió, bao gồm các quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư điện mặt trời, điện gió và trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong kế hoạch xây dựng điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam như về khuôn khổ pháp lý cụ thể trong quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, cơ sở pháp lý cho việc phân loại chất thải từ điện mặt trời, điện gió vẫn chưa có. Bên cạnh đó, việc thu gom và xử lý chất thải điện mặt trời, điện gió còn thô sơ, cần có quy trình đồng bộ, hiện đại. Và đặc biệt, Việt Nam chưa có công nghệ xử lý, tái chế chất thải từ các loại này, vẫn còn ở sơ khai.
Chia sẻ tổng quan về kinh nghiệm quốc tế, bà Deepali Sinha, chuyên gia quốc tế cho rằng, giải pháp quản tấm quang điện mặt trời hết niên hạn trước tiên cần thực hiện từ giải pháp giảm thiểu/ngăn ngừa như phát triển công nghệ để giảm kích thước và trọng lượng trên mỗi KW công suất phát - các nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn. Tái sử dụng và nâng cấp mô đun để kéo dài tuổi thọ chức năng. Bên cạnh đó, tái chế cũng được xem là giải pháp quan trọng.
Về giải pháp quản lý cánh tuabin gió cuối vòng đời, cần đổi mới trong thành phần vật liệu, tái sử dụng; Sử dụng cánh quạt cho các mục đích công trình khác (ví dụ bến xe buýt, cầu trọng lượng nhẹ...), tái chế công nghệ tái chế vật liệu tổng hợp từ cánh quạt vẫn đang trong quá trình phát triển…
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chỉ ra, hiện các rào cản trong quản lý tấm quang điện mặt trời và điện gió hết niên hạn vẫn còn tồn tại nhiều thách thức không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Như việc thiếu quy định về cơ chế tài chính cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Ngành công nghiệp tái chế chất thải điện tử vẫn còn sơ khai. Ngoài ra, tấm quang điện và cánh tuabin gió có nên được phân loại là chất thải nguy hại hay không vẫn chưa được làm rõ. Công nghệ xử lý đang trong giai đoạn được hình thành.
Theo đó, Deepali Sinha khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng hướng dẫn quản lý và phân loại chất thải; Thiết lập hệ thống đăng ký cơ sở xử lý chất thải được cấp phép; Tăng cường thu gom và xử lý chính thức chất thải cuối vòng đời của điện mặt trời và điện gió; Giảm thiểu việc chôn lấp và đốt chất thải; Tăng cường các quy chuẩn kỹ thuật cho tái chế và phục hồi; Xây dựng và thực hiện các văn bản pháp quy; Thiết lập cơ chế tài chính thông qua trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nhấn mạnh, Việt Nam đang tăng dần tỷ trọng năng lượng gió, điện mặt trời trong tương lai, đây sẽ là tiền đề, cơ sở để các nhà nghiên cứu trong nước chỉnh sửa, tiếp thu, hoàn thiện các nội dung liên quan. Bộ Công Thương luôn xác định, nhìn nhận việc xử lý chất thải từ điện mặt trời, điện gió là một trong những vấn đề quan trọng, đặc biệt trong việc tái sử dụng, tận dụng tài nguyên. Đây chỉ là bước khởi đầu, và từ các kết quả nghiên cứu, sẽ đưa ra đề xuất các giải pháp, lộ trình cũng như các góp ý về chính sách để có sự sẵn sàng trong thời gian tới.
Nguồn: www.evn.com.vn